Dược thư quốc gia Việt Nam 2018
Dược thư quốc gia Việt Nam mới nhất 2018

Dược thư quốc gia là gì?

Dược thư quốc gia hay sách hướng dẫn sử dụng thuốc được nhiều nước trên thế giới xuất bản nhằm hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả. Thông thường Dược thư quốc gia được Bộ Y tế quốc gia đó ban hành. Một số nước chỉ soạn thảo Dược thư quốc gia ngắn gọn loại bỏ túi để giúp thầy thuốc tra cứu khi làm việc.

Dược thư quốc gia Việt Nam

Dược thư quốc gia Việt Nam là sách hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả do Bộ Y tế ban hành.

Các phiên bản Dược thư quốc gia Việt Nam

Dược thư quốc gia Việt Nam lần xuất bản thứ nhất được biên soạn trong khuôn khổ chương trình hợp tác y tế Việt Nam – Thụy Điển theo một quy trình chặt chẽ để cung cấp cho các bác sỹ, dược sỹ và cán bộ y tế các thông tin về thuốc, nhằm hướng tới sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả.

Từ năm 2011 – 2013, Bộ Y tế đã tổ chức biên soạn cuốn Dược thư quốc gia Việt Nam lần xuất bản thứ hai với khoảng 700 dược chất trong số hơn 1000 dược chất có trong hơn 10000 dược phẩm lưu hành trên thị trường Việt Nam, bao gồm các thuốc có trong Danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam, Danh mục các thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế và một số thuốc chuyên khoa.

Cấu trúc của Dược thư quốc gia Việt Nam

Dược thư quốc gia Việt Nam 2 (mới nhất) được chia thành ba phần:

Phần một

Các chuyên luận chung trình bày về các vấn đề tổng quát liên quan đến sử dụng thuốc như: Sử dụng hợp lý thuốc kháng sinh, thuốc chống động kinh, nguyên tắc sử dụng thuốc ở trẻ em…

Phần hai

Các chuyên luận của 700 dược chất được trình bày theo thứ tự bảng chữ cái và theo tên gốc (tên chung quốc tế). Mỗi chuyên luận đều được trình bày theo bố cục thống nhất như sau:

  1. Tên chuyên luận thuốc: Là tên viết theo tên thuốc gốc đã được Việt hóa theo nguyên tắc của Bộ Y tế.
  2. Tên chung quốc tế: Viết theo quy định của danh pháp INN (International Nonproprietary Name).
  3. Mã ATC (The Anatomical Therapeutic Chemical Code).
  4. Loại thuốc: Phân loại theo nhóm tác dụng.
  5. Dạng thuốc và hàm lượng: Dạng bào chế thông dụng hiện có trên thị trường và hàm lượng.
  6. Dược lý và cơ chế tác dụng: Trình bày tác dụng dược học, dược động học và cơ chế tác dụng.
  7. Chỉ định: Cung cấp thông tin để lựa chọn đúng thuốc và đúng chỉ định.
  8. Chống chỉ định: Nêu các trường hợp cần tránh dùng thuốc.
  9. Thận trọng: Các trường hợp cần thận trọng khi dùng thuốc, ví dụ đối với người cao tuổi, người có bệnh về gan, thận v.v…
  10. Thời kỳ mang thai: Các thận trọng khi chỉ định thuốc cho người mang thai.
  11. Thời kỳ cho con bú: Các thận trọng khi chỉ định thuốc cho người cho con bú sữa mẹ.
  12. Tác dụng không mong muốn (Adverse drug reactions: ADR): Bao gồm những phản ứng phụ và các phản ứng đối nghịch có hại. Trong phần này các ADR được chia làm ba loại theo phân loại của Tổ chức y tế thế giới: Loại thường gặp là ADR xảy ra trên 1 phần trăm số người dùng thuốc, loại ít gặp là ADR xảy ra dưới 1 phần trăm và lớn hơn 1 phần nghìn số người dùng thuốc, loại hiếm gặp là ADR xảy ra dưới 1 phần nghìn số người dùng thuốc.
  13. Hướng dẫn cách xử trí ADR.
  14. Liều lượng và cách dùng: Liều lượng ghi trong Dược thư nhằm hướng dẫn chung về liều lượng thông thường, dùng cho người lớn và trẻ em theo đường uống, trừ trường hợp có ghi rõ đường dùng khác. Thầy thuốc có thể cân nhắc để cho liều cao hơn hoặc thấp hơn liều thông thường để đạt được tác dụng điều trị tối ưu ở từng người bệnh cụ thể. Ở một số chuyên luận thuốc có ghi cả liều giới hạn khi kê đơn (ở người lớn hoặc trẻ em) chủ yếu để hướng dẫn dược sỹ yêu cầu thầy thuốc xác nhận liều đã kê cao hơn liều bình thường.
  15. Tương tác thuốc: Khi sử dụng cùng một lúc hai hoặc nhiều thuốc thường dễ xảy ra tương tác thuốc dẫn đến hiện tượng đối kháng hoặc hiệp đồng. Tác dụng đối kháng là hiện tượng một thuốc có thể làm giảm (hoặc mất) tác dụng của thuốc khác khi dùng đồng thời; ngược lại là tác dụng hiệp đồng (có khi tác dụng tăng cường đến mức gây độc cho người bệnh). Vì vậy cần thận trọng và khi thật cần thiết mới dùng chung các thuốc đó với nhau.
  16. Độ ổn định và bảo quản.
  17. Tương kỵ: Thuốc không được trộn lẫn với thuốc khác vì xảy ra phản ứng ngoài cơ thể.
  18. Quá liều và xử trí.
  19. Thông tin quy chế. Trong một số chuyên luận thuốc, nếu một mục chưa có đầy đủ thông tin cần thiết thì sẽ được bỏ qua.

Phần ba

Các phụ lục bao gồm:

  1. Bảng xác định diện tích bề mặt thân thể người từ chiều cao và cân nặng
  2. Pha thêm thuốc vào dịch truyền tĩnh mạch
  3. Phân loại thuốc trong Dược thư quốc gia theo mã giải phẫu – điều trị – hóa học (ATC)

Các thông tin trong Dược thư quốc gia Việt Nam được tham khảo từ các sách giáo khoa về dược lý, các tài liệu hướng dẫn dùng thuốc và phác đồ điều trị chuẩn của Bộ Y tế và Tổ chức y tế thế giới, các sách hướng dẫn sử dụng và điều trị có uy tín trên thế giới như: Goodman & Gilman’s The Pharmacological Basis of Therapeutics; Martindale, British National Formulary (BNF); Drug information – American Hospital Formulary Service (AHFS)… nhằm đảm bảo tính khoa học, chính xác, cập nhật và thực tiễn. Được sự quan tâm của Bộ Y tế, với sự tham gia tâm huyết của nhiều chuyên gia y – dược, Hội đồng Dược thư quốc gia Việt Nam II, trong suốt 3 năm đã hoàn thành công tác biên soạn cuốn Dược thư quốc gia Việt Nam 2.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here