Thuốc Octreotid Acetat

Thuốc là gì? Hướng dẫn sử dụng - Dược thư quốc gia

Thuốc Octreotid Acetat là gì | Dạng thuốc| Chỉ định | Liều dùng | Quá liều | Chống chỉ định | Tác dụng phụ | Lưu ý | Tương tác | Dược lý Dược động học | Bảo quản | Quy chế

Dưới đây là thông tin được biên tập lại từ thông tin thuốc Octreotid Acetat có trong Dược thư Quốc Gia Việt Nam mới nhất. Nội dung tham khảo này dành cho chuyên gia, những người có hiểu biết về y khoa.

Xem thông tin dễ hiểu hơn về Thuốc Octreotide được tổng hợp và biên tập lại Tại đây

Thông tin chung

Thuốc Octreotid Acetat (Octreotide acetate - H01CB02) là Polypeptid tổng hợp ức chế tăng trưởng, tương tự somatostatin (một hormon hạ đồi). Thuốc có thành phần hoạt chất chính là Octreotid acetat và được đóng gói dưới dạng Ống tiêm hoặc lọ dung dịch 50; 100; 200; 500; 1 000 microgam/ml (tính theo octreotid) để tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch.Lọ thuốc bột 10; 20; 30 mg (tính theo octreotid), kèm lọ 2 ml dung môi để pha thành hỗn dịch tiêm bắp có tác dụng kéo dài. Có thể được cung cấp cả gạc tẩm ethanol, kim tiêm, bơm tiêm.

   
Tên thuốc Thuốc OCTREOTID ACETAT ®
Tên quốc tế Thuốc Octreotide acetate
Tên thương mại Thuốc
Mã ATC H01CB02
Nhóm thuốc Polypeptid tổng hợp ức chế tăng trưởng, tương tự somatostatin (một hormon hạ đồi).
Thành phần Octreotid acetat

Dạng thuốc và hàm lượng

Ống tiêm hoặc lọ dung dịch 50; 100; 200; 500; 1 000 microgam/ml (tính theo octreotid) để tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch.Lọ thuốc bột 10; 20; 30 mg (tính theo octreotid), kèm lọ 2 ml dung môi để pha thành hỗn dịch tiêm bắp có tác dụng kéo dài. Có thể được cung cấp cả gạc tẩm ethanol, kim tiêm, bơm tiêm.

Chỉ định

U carcinoid (để điều trị triệu chứng): U tiết hormon tăng trưởng, u tiết VIP, u tiết glucagon.
Bệnh to cực (acromegaly), kể cả trường hợp phẫu thuật, xạ trị hoặc dùng thuốc chủ vận thụ thể dopamin không có kết quả.

Thuốc còn được dùng để phòng ngừa tai biến do phẫu thuật tụy, xuất huyết giãn tĩnh mạch, ỉa chảy do HIV.

Liều dùng và cách dùng

Cách pha thuốc và cách dùng thuốc
Octreotid acetat dạng dung dịch có thể tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch. Tiêm dưới da hấp thu chậm hơn nên tác dụng kéo dài hơn và dễ dùng cho người bệnh hơn. Tiêm tĩnh mạch thường chỉ dùng trong trường hợp cấp cứu, cần có tác dụng nhanh để kiểm soát các triệu chứng do u carcinoid gây ra.

Để giảm bớt nguy cơ tai biến trên đường tiêu hóa, tránh tiêm thuốc trong bữa ăn, mà phải tiêm vào thời gian giữa các bữa ăn và lúc  đi ngủ.
Khi tiêm dưới da, nên tiêm mỗi chỗ một lượng thuốc nhỏ để đỡ đau ở chỗ tiêm, vị trí tiêm cần luân chuyển. Tránh tiêm nhiều lần ở một chỗ trong thời gian ngắn.
Cần hướng dẫn thật chi tiết kỹ thuật tiêm dưới da vô khuẩn cho người bệnh và người nhà, để họ có thể tự tiêm được.

Khi tiêm tĩnh mạch nhanh (khi bị cơn carcinoid), octreotid acetat dạng dung dịch có thể dùng trực tiếp không cần pha loãng. Nhưng theo một số nhà sản xuất, phải pha loãng theo tỷ lệ không dưới    1 : 1 cho đến không quá 1 : 9 với natri clorid 0,9%. Tiêm tĩnh mạch chậm trong 3 đến 5 phút kết hợp với kiểm tra điện tâm đồ.

Để tiêm truyền tĩnh mạch, phải pha loãng trong 50 – 200 ml dung dịch tiêm natri clorid 0,9% hoặc glucose 5% và truyền ngắt quãng trong 15 – 30 phút. Các dung dịch đã pha loãng phải được dùng trong vòng 24 giờ.

Octreotid dạng hỗn dịch chỉ được tiêm bắp và phải được dùng dưới sự giám sát của thầy thuốc. Dạng hỗn dịch không được tiêm dưới da hoặc tĩnh mạch.

Lọ thuốc bột octreotid acetat và lọ dung môi cần lấy ra khỏi tủ lạnh và để ở nhiệt độ phòng 30 – 60 phút trước khi pha thuốc. Lấy dung môi cho vào lọ thuốc bột, trộn thật đều thành hỗn dịch theo đúng như bản hướng dẫn của nhà sản xuất rồi dùng ngay. Nên tiêm vào cơ mông, vì tiêm vào cơ delta sẽ rất khó chịu. Cần luân chuyển vị trí tiêm ở cơ mông để giảm kích ứng. Hỗn dịch đã pha chế chưa dùng ngay, cần để tủ lạnh 2 – 8oC và tránh ánh sáng.

Liều lượng:
Liều dùng của octreotid acetat được tính theo octreotid.
Do có sự khác nhau nhiều về mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng, nên không thể quy định liều cụ thể được. Liều dùng cho mỗi người phải tuỳ theo đáp ứng của người bệnh (về triệu chứng và kết quả xét nghiệm) và sự dung nạp thuốc.

Người lớn, liều khởi đầu tiêm dưới da là 50 – 100 microgam/lần, ngày 1 – 3 lần (thường dùng 50 microgam mỗi lần, ngày 2 lần). Liều về sau có thể tăng dần tùy theo đáp ứng và dung nạp của người bệnh. Liều mỗi ngày thường được chia ra 2 – 3 lần.

Chưa xác định được liều tối đa, nhưng đã dùng đến liều 3 000 microgam/ngày chia ra 5 lần hoặc nhiều lần hơn; thậm chí đã dùng liều một lần đến 120 mg truyền tĩnh mạch trong 8 giờ cho người lớn khoẻ mạnh mà không thấy có tai biến nặng. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ về những ảnh hưởng lâu dài khi sử dụng thuốc ở liều cao như ADR trên đường tiêu hóa, gan – mật.

Cần hiệu chỉnh liều cho trẻ em, bệnh nhân suy thận, xơ gan hoặc gan nhiễm mỡ. Vì độ thanh thải và thải trừ của thuốc thay đổi theo tuổi và tình trạng của các bệnh lý trên .

U carcinoid. Để điều trị ỉa chảy và nóng bừng do u carcinoid ở người lớn, khởi đầu nên dùng octreotid dạng dung dịch. Liều trung bình là 300 (100 – 600) microgam mỗi ngày, chia ra 2 – 4 lần, dùng trong 2 tuần. Liều duy trì trung bình đối với đa số người bệnh trong các nghiên cứu lâm sàng là 450 microgam/ngày.

Một số người bệnh đáp ứng với liều 50 microgam mỗi ngày, nhưng có người phải dùng tới liều 1 500 microgam; tuy nhiên, kinh nghiệm dùng liều lớn hơn 750 microgam còn ít.

Sau 2 tuần, người bệnh nào đáp ứng tốt với octreotid dạng dung dịch, nên chuyển sang dùng octreotid dạng hỗn dịch, với liều khởi đầu là 20 mg, tiêm bắp, 4 tuần một lần trong 2 tháng; nhưng ít nhất trong 2 tuần đầu kể từ khi bắt đầu dùng octreotid dạng hỗn dịch, vẫn phải tiếp tục dùng octreotid dạng dung dịch tiêm dưới da với liều cũ.

Trong một số trường hợp, sau khi ngừng octreotid dạng dung dịch (sau khi đã dùng thêm 2 tuần), nếu vẫn còn triệu chứng bệnh, thì phải dùng octreotid dạng dung dịch tiếp thêm 1 – 2 tuần nữa.

Sau 2 tháng điều trị với liều 20 mg (4 tuần một lần), nếu vẫn còn triệu chứng bệnh, thì tăng liều lên 30 mg, tiêm bắp, 4 tuần một lần. Trái lại, nếu cơ bản không còn triệu chứng bệnh, thì giảm liều còn 10 mg, tiêm bắp, 4 tuần một lần.
Các liều octreotid hỗn dịch lớn hơn 30 mg chưa được thử nghiệm và cũng không khuyến cáo dùng.

Trong quá trình điều trị dùng octreotid dạng hỗn dịch, nếu thấy triệu chứng bệnh xuất hiện trở lại, phải dùng octreotid dạng dung dịch tiêm dưới da, với liều bằng liều trước khi chuyển sang dùng octreotid dạng hỗn dịch.

Để kiểm soát nhanh hạ huyết áp và các biểu hiện khác của cơn carcinoid, cần tiêm tĩnh mạch nhanh dung dịch octreotid, liều 50 – 500 microgam và nhắc lại nếu cần. Truyền tĩnh mạch kéo dài với liều 50 microgam mỗi giờ trong 8 – 24 giờ cũng đã được dùng để điều trị cơn carcinoid.

Tiêm dưới da liều 250 – 500 microgam, 1 – 2 giờ trước khi gây mê, để phòng ngừa cơn carcinoid xảy ra khi phẫu thuật. Nếu thận trọng hơn, có thể phòng ngừa bằng cách: 24 – 48 giờ trước khi gây mê hoặc dùng hóa trị liệu, tiêm dưới da dung dịch octreotid với liều 150 – 250 microgam, cách 6 – 8 giờ một lần.

U tiết VIP
Để điều trị ỉa chảy toàn nước do u tiết VIP ở người lớn, khởi đầu nên tiêm dưới da dung dịch octreotid với liều 200 – 300 (trong phạm vi 100 – 750) microgam mỗi ngày chia 2 – 4 lần, trong 2 tuần. Liều cụ thể bao nhiêu phải dựa vào đáp ứng và dung nạp của từng người bệnh, nhưng hạn chế dùng liều lớn hơn 450 microgam mỗi ngày.

Nếu sau ít nhất 2 tuần, người bệnh đáp ứng tốt với octreotid dạng dung dịch, có thể chuyển sang dùng octreotid dạng hỗn dịch với liều 20 mg, tiêm bắp, cách 4 tuần một lần trong 2 tháng. Cùng với sử dụng hỗn dịch tiêm, nên tiếp tục dùng octreotid dạng dung dịch tiêm dưới da thêm 2 tuần, có khi đến 3 – 4 tuần để tránh triệu chứng bệnh trở lại hoặc trầm trọng hơn.

Sau 2 tháng điều trị với liều 20 mg (4 tuần một lần), nếu triệu chứng bệnh vẫn còn, thì tăng liều lên 30 mg, tiêm bắp, cách 4 tuần một lần. Trái lại, nếu về cơ bản không còn triệu chứng bệnh, thì giảm liều còn 10 mg, tiêm bắp, cách 4 tuần một lần.

Cũng như trường hợp u carcinoid, liều > 30 mg/ngày chưa được nghiên cứu và cũng không khuyến cáo. Trong quá trình đang dùng octreotid dạng hỗn dịch, nếu thấy triệu chứng bệnh trở lại, lại phải dùng octreotid dạng dung dịch tiêm dưới da, với liều bằng liều trước khi chuyển sang dùng octreotid dạng hỗn dịch.

Bệnh to cực
Để điều trị bệnh to cực, khởi đầu cũng dùng octreotid dạng dung dịch tiêm dưới da với liều 50 microgam mỗi lần, ngày 3 lần. Điều chỉnh liều dựa vào định lượng nồng độ GH sau khi tiêm octreotid được 0 – 8 giờ, cho đến khi nồng độ GH và IGF-I trở về bình thường (GH < 5 nanogam/ml, IGF-I < 1,9 đơn vị/ml với nam và 2,2 đơn vị/ml với nữ).

Liều 100 – 200 microgam/lần, ngày 3 lần, cho kết quả tối đa ở hầu hết các người bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp cần dùng đến liều 500 microgam/lần, ngày 3 lần. Thời gian dùng thuốc ít nhất trong 2 tuần để xác định tính dung nạp thuốc của người bệnh.

Nếu sau 2 tuần, người bệnh đáp ứng tốt với octreotid dạng dung dịch, có thể chuyển sang dùng octreotid dạng hỗn dịch với liều  20 mg, tiêm bắp, cách 4 tuần một lần trong 3 tháng. Sau đó, liều octreotid dạng hỗn dịch được điều chỉnh dựa vào nồng độ GH, IGF-I và triệu chứng lâm sàng.

Người bệnh có nồng độ GH từ 2,5 nanogam/ml trở xuống, nồng độ IGF-I bình thường và triệu chứng bệnh kiểm soát được tốt, liều duy trì là 20 mg tiêm bắp, cách 4 tuần 1 lần.

Người bệnh có nồng độ GH từ 1 nanogam/ml trở xuống, nồng độ IGF-I bình thường và triệu chứng bệnh kiểm soát tốt, liều nên giảm còn 10 mg tiêm bắp, cách 4 tuần 1 lần.

Người bệnh có nồng độ GH trên 2,5 nanogam/ml, nồng độ IGF-I cao trên bình thường và triệu chứng lâm sàng không kiểm soát được, liều phải tăng lên 30 mg tiêm bắp, cách 4 tuần 1 lần.
Nếu người bệnh không đáp ứng với liều 30 mg, liều có thể tăng lên 40 mg, tiêm bắp, cách 4 tuần 1 lần. Tuy nhiên, không nên dùng liều trên 40 mg.

Người bệnh đã được dùng xạ trị tuyến yên, hàng năm, cần ngừng dùng octreotid dạng hỗn dịch khoảng 4 đến 8 tuần, để đánh giá tác dụng và xem xét có nên tiếp tục dùng octreotid dạng hỗn dịch không.

Phòng ngừa tai biến do phẫu thuật tụy
Tiêm dưới da 100 microgam octreotid dạng dung dịch, ngày 3 lần, trong 7 ngày liên tiếp, bắt đầu ít nhất 1 giờ trước khi mổ.

Quá liều và xử trí

Cho đến nay chưa thấy báo cáo về quá liều xảy ra ở người bệnh. Tiêm tĩnh mạch nhanh cho người tình nguyện khoẻ mạnh liều 1 mg; hoặc truyền tĩnh mạch 30 mg trong 20 phút hoặc 120 mg trong 8 giờ, không thấy có tai biến gì nghiêm trọng.
Liều gây chết khi tiêm tĩnh mạch ở chuột nhắt trắng là 72 mg/kg, và ở chuột cống trắng là 18 mg/kg.

Chống chỉ định

Tác dụng phụ

Octreotid nói chung dung nạp tốt. Các tai biến thường xảy ra, nhưng chỉ từ nhẹ đến vừa và thường tự khỏi. Rất ít trường hợp phải ngừng thuốc.

Thường gặp, ADR > 1/100
Gan, mật: Nhiều cặn trong túi mật, sỏi mật, viêm túi mật, viêm đường dẫn mật, tắc mật, viêm gan ứ mật.

Tiêu hoá: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, đau bụng, khó chịu, phân ít, trướng bụng, đầy hơi, mót rặn, phân mỡ, chán ăn, phân không màu. Từ 1- 4%, viêm ruột kết, khó nuốt, kém hấp thu chất béo, viêm dạ dày – ruột, viêm lợi, viêm lưỡi, khô miệng, mất vị giác.
Da: Ngứa, đau và mẩn đỏ, ban đỏ ở chỗ tiêm dưới da, đau ở chỗ tiêm bắp, chủ yếu là do thuốc có tính acid (pH khoảng 4,2).

Thần kinh: Nhức đầu, chóng mặt, bứt rứt, mệt mỏi, suy nhược (> 16%), đau, mất cảm giác, mất ngủ (5 – 15%). Từ 1 – 4%, dáng đi bất thường, quên, trầm cảm, khó phát âm, ảo giác, đau dây thần kinh, buồn ngủ, chóng mặt.

Nội tiết: Tăng và hạ glucose huyết, giảm caroten huyết thanh, suy tuyến giáp (5 – 12%), bướu cổ (5 – 8%). Từ 1- 4%, giảm kali, giảm protein huyết, gút, suy mòn, bất lực.
Cơ – xương: Đau lưng (> 16%), đau khớp, đau cơ, mệt mỏi, rét run, dị cảm (5 – 15%).
Hô hấp: Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, khó thở (> 16%), ho, viêm họng, viêm xoang, viêm mũi (5 – 15%).

Tim mạch: Tăng huyết áp, loạn nhịp tim, biến đổi điện tâm đồ, nhịp tim nhanh, phù ngoại vi (5 – 15%), ngừng tim, phù, máu tụ, suy tim sung huyết, viêm tĩnh mạch (1 – 4%).
Mắt: Nhìn mờ, rối loạn thị giác.
Thận – tiết niệu: Sỏi thận (5 – 15%), đái rắt, nhiễm khuẩn đường tiết niệu (1 – 4%).
Khác: Triệu chứng cúm sinh kháng thể với octreotid (> 16%), dị ứng, toát mồ hôi (5 – 15%).

Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
Gan, mật: Vàng da, tăng transaminase, viêm tuỵ.
Tiêu hoá: Táo bón, co thắt trực tràng, xuất huyết tiêu hóa, phân bất thường, khó tiêu, chán ăn, khô miệng.

Da: Rụng tóc, mỏng da, da có vảy, thâm tím da, ngứa, ban.
Thần kinh: Bồn chồn, co giật, giảm trí tuệ, choáng váng, dị cảm, nặng đầu, mất ngủ, run, tê cóng.

Nội tiết: Tiết nhiều sữa, suy giáp, bướu cổ.
Tim mạch: Phù, tăng huyết áp, huyết khối tĩnh mạch, thiếu máu, suy tim sung huyết, đánh trống ngực, hạ huyết áp thế đứng, ngất, đau ngực, biến đổi điện tim đồ, loạn nhịp tim, nhịp chậm xoang. Xương – cơ: Đau lưng, đau cơ, co cứng cơ, đau khớp, đau chân, đau tay.

Hướng dẫn cách xử trí ADR
Tai biến tiêu hóa thường xảy ra trong tuần đầu điều trị và tự mất trong quá trình điều trị. Để giảm tai biến tiêu hóa, nên dùng thuốc xa bữa ăn, vào khoảng giữa các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó, giảm lượng chất béo trong bữa ăn cũng có tác dụng giảm ADR.

Tai biến gan – mật thường xảy ra (40 – 60%) do thuốc ức chế co bóp túi mật, làm giảm tiết mật, thay đổi về hấp thu chất béo. Cần siêu âm túi mật và đường mật trước khi điều trị và định kỳ 6 tháng một lần trong điều trị. Nếu bị sỏi mật, phải ngừng thuốc. Nếu đau nặng do sỏi mật, phải phẫu thuật lấy sỏi.

Phải theo dõi chức năng tuyến giáp, xác định mỡ trong phân và định lượng caroten trong huyết thanh. Nếu thấy có diễn biến xấu, phải giảm liều. Với bệnh nhân có tiền sử suy giáp, xem xét sử dụng thêm các thuốc hormon tuyến giáp.

Thận trọng và lưu ý

Dùng octreotid có thể gây ra một số tác dụng của somatostatin nội sinh trên chức năng và nhu động dạ dày – ruột, đường mật, dung nạp glucose và một số chức năng nội tiết khác. Do đó:
Cần phải theo dõi sỏi túi mật (siêu âm túi mật cách 6 – 12 tháng một lần).
Kiểm tra thường xuyên glucose huyết.

Chú ý đến suy giáp, cần phải theo dõi thị lực vì tăng tiết hormon tăng trưởng do u tuyến yên có thể phát triển lan rộng, ảnh hưởng đến thị trường của mắt.

Có thể gây giảm đường huyết nghiêm trọng ở bệnh nhân đái tháo đường typ I, nhưng có thể gây tăng đường huyết quá mức ở bệnh nhân đái tháo đường typ II hoặc bệnh nhân không đái tháo đường.

Do ảnh hưởng lên nhu động ruột, hấp thu nước và chất điện giải và các ảnh hưởng trên đường tiêu hóa khác, cần lưu ý octreotid làm rối loạn hấp thu các thuốc dùng qua đường uống, các vitamin tan trong dầu. Cần phải theo dõi nhịp tim (nhịp chậm xoang, rối loạn dẫn truyền) trong khi điều trị octreotid.

Kiểm tra hàm lượng kẽm, ở bệnh nhân mất quá nhiều nước cần truyền dung dịch dinh dưỡng.
Các chất cấu trúc tương tự như somatostatin có thể làm giảm chuyển hóa các chất bị chuyển hóa qua cytochrom P450, nhà sản xuất khuyến cáo thận trọng khi sử dụng đồng thời octreotid với các thuốc có chỉ số điều trị thấp và bị chuyển hóa chính do CYP3A4.

Cần chú ý, ở những bệnh nhân có quá trình điều trị kéo dài, đáp ứng lâm sàng và sinh hóa đối với octreotid có thể bị suy giảm ở một mức độ nhất định.

Octreotid dạng dung dịch được dung nạp tốt ở trẻ em, vì vậy, có thể dùng cho trẻ em từ 1 tháng tuổi. Trẻ em dùng octreotid có thể bị chậm phát triển. Chưa nghiên cứu dùng octreotid hỗn dịch cho trẻ em.

Người cao tuổi cũng dung nạp thuốc tốt (đã dùng cho người đến 83 tuổi). Tuy nhiên, do độ thanh thải và nửa đời của octreotid ở người cao tuổi kéo dài hơn, nên cần giảm liều dùng.
Người bị suy thận đang phải lọc thận nhân tạo, nửa đời của octreotid tăng nhiều, do đó, cần phải giảm liều. Chưa nghiên cứu ảnh hưởng của suy gan trên dược động học của octreotid.

Lưu ý thời kỳ mang thai

Nghiên cứu trên chuột cống trắng và thỏ, dùng liều tính theo cân nặng gấp 30 lần liều dùng cho người, thấy thuốc qua được hàng rào nhau thai, nhưng chưa thấy có ảnh hưởng đến sinh sản của chuột hoặc thỏ mẹ và tổn hại cho thai.

Chưa nghiên cứu đủ và có kiểm tra dùng octreotid cho phụ nữ mang thai. Mới điều trị được 6 phụ nữ mang thai bị bệnh to cực, song chưa thấy có tai biến cho mẹ và bất thường cho con. Dù sao, chỉ dùng octreotid cho phụ nữ mang thai khi thấy thật cần thiết.

Lưu ý thời kỳ cho con bú

Còn chưa xác định được octreotid có vào được sữa mẹ không. Nếu cần dùng cho phụ nữ nuôi con bú cần thận trọng.

Tương tác thuốc

Dịch dinh dưỡng: Người bệnh được truyền dịch dinh dưỡng, nếu phối hợp dùng octreotid có thể dẫn đến tăng nồng độ kẽm trong huyết tương và làm giảm hấp thu của các thuốc uống khác.

Insulin: Người bệnh đái tháo đường đang điều trị bằng insulin, nếu phối hợp với octreotid, dễ xảy ra hạ glucose huyết, vì octreotid làm giảm tiết glucagon; do đó, khi phối hợp phải giảm liều insulin. Bromocriptin: Khi phối hợp với octreotid, sinh khả dụng của bromocriptin tăng, do đó, có thể phải giảm liều bromocriptin.

Ciclosporin: Phối hợp với octreotid sẽ làm giảm nồng độ ciclosporin trong huyết tương; do đó, phải tăng liều ciclosporin. Nhưng khi đang phối hợp mà ngừng dùng octreotid, phải giảm liều ciclosporin.
Tránh sử dụng đồng thời octreotid với một trong các thành phần sau: Nilotinib, tetrabenazin, thioridazin, ziprasidon.

Octreotid có thể tăng nồng độ hoặc tác dụng của: Codein, pegvisomant, tetrabenazin, thioridazin, ziprasidon, tác nhân kéo dài thời gian QT.
Nồng độ và tác dụng của octreotid có thể tăng bởi: Alfuzosin, ciprofloxacin, gadobutrol, nilotinib và các dược liệu có tác dụng hạ đường huyết.

Tương kỵ
Có hãng sản xuất đã khuyến cáo là octreotid có thể hấp phụ vào chất dẻo. Tuy nhiên, một dung dịch octreotid acetat nồng độ 200 microgam/ml ở 5 oC đựng trong một bơm tiêm bằng polypropylen ổn định được trong 60 ngày.

Cũng có báo cáo là octreotid acetat tương hợp với các dung dịch dinh dưỡng tiêm truyền. Nhưng có hãng sản xuất khuyến cáo là octreotid tương kỵ với các dung dịch này, vì có thể tạo thành chất liên hợp glycosyloctreotid, làm giảm hiệu quả điều trị của octreotid.

Dược lý và cơ chế

Octreotid là một polypeptid tổng hợp, có cấu trúc và tác dụng dược lý tương tự somatostatin tự nhiên, được phân lập đầu tiên ở vùng dưới đồi, nhưng octreotid có nửa đời thải trừ và tác dụng kéo dài hơn.

Octreotid có tác dụng ức chế tiết một số hormon thùy trước tuyến yên, ức chế chức năng tuyến tụy nội và ngoại tiết; ức chế tiết serotonin; các peptid dạ dày – ruột – tuỵ như gastrin, peptid ruột vận mạch (VIP), insulin, glucagon, secretin, motilin, polypeptid tuyến tụy, hormon tăng trưởng; ức chế nhu động dạ dày – ruột, túi mật; làm giảm lưu lượng máu nội tạng; kích thích sự hấp thu dịch và điện giải qua đường tiêu hóa.

Octreotid có tác dụng mạnh hơn somatostatin. Thuốc ức chế giải phóng somatotropin – hormon tăng trưởng (GH) mạnh hơn giải phóng insulin và glucagon, có nửa đời trong huyết tương và thời gian tác dụng dài hơn somatostatin và không có hiện tượng tăng tiết hormon trở lại khi ngừng thuốc.

Octreotid ức chế tiết somatotropin trong điều kiện bình thường và cả khi bị kích thích. Thuốc cũng ức chế đáp ứng của lutropin (hormon sinh hoàng thể) đối với hormon giải phóng gonadotropin và ức chế giải phóng hormon kích thích tuyến giáp (TSH).

Vì vậy, octreotid được dùng để điều trị những biểu hiện bất thường như đỏ bừng mặt và ỉa chảy do hội chứng carcinoid, ỉa chảy toàn nước do các u tiết VIP. Thuốc cũng làm giảm nồng độ GH và/ hoặc yếu tố tăng trưởng I có hoạt tính kiểu insulin (IGF-I) ở người bị bệnh to cực. Thời gian tác dụng của octreotid acetat thay đổi, nhưng có thể kéo dài tới 12 giờ tùy theo loại u.

Dược động học
Octreotid hấp thu nhanh và hoàn toàn sau khi tiêm dưới da, sinh khả dụng 100%. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau 25 – 40 phút. Nồng độ đỉnh trong huyết tương ở người tình nguyện khoẻ mạnh là 5,2 nanogam/ml sau khi tiêm dưới da liều 100 microgam 25 phút.

Octreotid liên kết với protein huyết tương khoảng 65% chủ yếu gắn vào lipoprotein, đôi khi có thể gắn vào albumin. Thuốc phân bố được vào các mô của cơ thể và qua được hàng rào nhau thai. Thể tích phân bố là 13,6 lít.

Độ thanh thải khoảng 10 lít/giờ, nhưng dược động học của octreotid không tuyến tính, khi dùng liều cao, độ thanh thải giảm.

Nửa đời thải trừ khoảng 1,5 giờ và kéo dài hơn ở người cao tuổi, có thể lên đến 3,7 giờ ở người xơ gan và 3,4 giờ ở người gan nhiễm mỡ và người suy thận. Độ thanh thải ở người suy thận phải lọc thận nhân tạo chỉ là 4,5 lít/giờ.

Thuốc được thải trừ chủ yếu qua thận. Khoảng 1/3 liều dùng được thải trừ qua nước tiểu ở dạng không bị biến đổi (phần lớn chuyển hóa qua gan). Dược động học của octreotid ở người bị bệnh to cực khác người tình nguyện khoẻ mạnh. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt 2,8 nanogam/ml sau khi tiêm dưới da 100 microgam 42 phút. Thuốc liên kết với huyết tương 41%; thể tích phân bố là 21,6 lít và độ thanh thải là 16 lít/giờ.

Bảo quản

Octreotid được bảo quản trong lọ hoặc ống tiêm kín, để ở 2 - 8 oC, tránh ánh sáng. Để ở nhiệt độ thường (20 - 30 oC), octreotid ổn định được 14 ngày. Không nên đưa kim tiêm vào lọ quá 10 lần để tránh nhiễm khuẩn. Octreotid acetat dung dịch đã pha trong glucose 5% tiêm để tiêm truyền tĩnh mạch, cần sử dụng trong vòng 24 giờ; pha trong dung dịch natri clorid 0,9% tiêm, ổn định 96 giờ ở nhiệt độ phòng. Octreotid acetat bột chưa pha có thể bảo quản được lâu nếu để ở tủ lạnh 2 - 8 oC, tránh ánh sáng. Hỗn dịch pha ra phải dùng ngay, không để quá 60 phút ở nhiệt độ thường. Lọ thuốc dùng nhiều lần, sau 14 ngày kể từ ngày dùng lần đầu, nếu còn thuốc cũng phải vứt bỏ. Ống tiêm octreotid acetat chỉ được mở ngay trước khi dùng và dùng xong một lần, nếu còn thuốc cũng phải vứt bỏ.

Quy chế

Octreotid có trong Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.

Tổng kết

Trên đây tacdungthuoc.com đã biên tập lại các thông tin về thuốc Octreotid Acetat trong Dược thư Quốc Gia Việt Nam mới nhất. Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên và khuyến nghị nào cho việc dùng thuốc!

Với những người không phải chuyên gia có thể xem thông tin dễ hiểu hơn về Thuốc Octreotide được chúng tôi tổng hợp và biên tập lại Tại đây

Dược thư quốc gia Việt Nam

thuốc Octreotid Acetat là gì

cách dùng thuốc Octreotid Acetat

tác dụng thuốc Octreotid Acetat

công dụng thuốc Octreotid Acetat

thuốc Octreotid Acetat giá bao nhiêu

liều dùng thuốc Octreotid Acetat

giá bán thuốc Octreotid Acetat

mua thuốc Octreotid Acetat

Thuốc Octreotid Acetat là thuốc gì?

Thuốc Octreotid Acetat (Octreotide acetate - H01CB02) là Polypeptid tổng hợp ức chế tăng trưởng, tương tự somatostatin (một hormon hạ đồi). Thuốc có thành phần hoạt chất chính là Octreotid acetat Xem chi tiết

Dạng thuốc, mã ATC và tên quốc tế?

Thuốc Octreotid Acetat Ống tiêm hoặc lọ dung dịch 50; 100; 200; 500; 1 000 microgam/ml (tính theo octreotid) để tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch.Lọ thuốc bột 10; 20; 30 mg (tính theo octreotid), kèm lọ 2 ml dung môi để pha thành hỗn dịch tiêm bắp có tác dụng kéo dài. Có thể được cung cấp cả gạc tẩm ethanol, kim tiêm, bơm tiêm.. Mã ATC: H01CB02. Tên quốc tế: Octreotide acetate Xem chi tiết

Thông tin thuốc Octreotid Acetat?

Dược thư quốc gia Việt Nam: thông tin chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, tác dụng phụ và lưu ý, dược lý và cơ chế tác dụng, dược động học Thuốc Octreotid Acetat Xem chi tiết

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here