Thuốc Benazepril

Thuốc là gì? Hướng dẫn sử dụng - Dược thư quốc gia

Thuốc Benazepril là gì | Dạng thuốc| Chỉ định | Liều dùng | Quá liều | Chống chỉ định | Tác dụng phụ | Lưu ý | Tương tác | Dược lý Dược động học | Bảo quản | Quy chế

Dưới đây là thông tin được biên tập lại từ thông tin thuốc Benazepril có trong Dược thư Quốc Gia Việt Nam mới nhất. Nội dung tham khảo này dành cho chuyên gia, những người có hiểu biết về y khoa.

Xem thông tin dễ hiểu hơn về Thuốc Benazepril được tổng hợp và biên tập lại Tại đây

Thông tin chung

Thuốc Benazepril (Benazepril - C09A A07) là Thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin. Thuốc điều trị tăng huyết áp. Thuốc có thành phần hoạt chất chính là Benazepril và được đóng gói dưới dạng Viên nén 5 mg; 10 mg; 20 mg; 40 mg benazepril (dạng muối hydroclorid).

   
Tên thuốc Thuốc BENAZEPRIL ®
Tên quốc tế Thuốc Benazepril
Tên thương mại Thuốc
Mã ATC C09A A07
Nhóm thuốc Thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin. Thuốc điều trị tăng huyết áp.
Thành phần Benazepril

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 5 mg; 10 mg; 20 mg; 40 mg benazepril (dạng muối hydroclorid).

Chỉ định

Dùng một mình hoặc phối hợp với thuốc lợi tiểu thiazid để điều trị tăng huyết áp.
Dùng kết hợp với thuốc lợi tiểu và digitalis để điều trị suy tim sung huyết không đáp ứng với các biện pháp khác.

Liều dùng và cách dùng

Dùng benazepril qua đường uống.
Liều lượng của benazepril hydroclorid biểu thị theo số lượng benazepril.
Phải ngừng dùng thuốc lợi tiểu 2 – 3 ngày trước khi bắt đầu dùng benazepril, trừ trường hợp người có tăng huyết áp tiến triển nhanh hoặc ác tính, hoặc tăng huyết áp khó kiểm soát.

Ở những người này, có thể bắt đầu điều trị ngay với benazepril với liều thấp hơn dưới sự giám sát cẩn thận của bác sỹ, và tăng dần liều một cách thận trọng. Ở người giảm chức năng thận, phải dùng liều thấp hơn hoặc với khoảng cách giữa các liều dài hơn và mức gia tăng liều nhỏ hơn.

Benazepril thường có hiệu quả khi dùng thuốc một lần mỗi ngày. Tuy vậy, nếu tác dụng gây hạ huyết áp giảm trước 24 giờ, phải chia tổng liều trong ngày thành 2 lần uống.

Liều thường dùng người lớn:
Tăng huyết áp
Bắt đầu: Uống, 10 mg, ngày một lần.
Duy trì: Uống 20 – 40 mg, ngày một lần hoặc chia thành 2 lần.

Ghi chú: Dùng liều bắt đầu 5 mg, cho người mất natri và nước do dùng thuốc lợi tiểu trước đó, người đang tiếp tục dùng thuốc lợi tiểu, hoặc người suy thận (độ thanh thải creatinin dưới 30 ml/phút/1,73m2). Những người bệnh này phải được theo dõi trong ít nhất 2 giờ sau liều ban đầu (và thêm 1 giờ sau khi huyết áp đã ổn định), để đề phòng hạ huyết áp quá mức.

Suy tim sung huyết:

Bắt đầu: Uống, 5 mg, ngày một lần.
Duy trì: Uống, 5 – 10 mg, ngày một lần.
Giới hạn liều thường dùng người lớn:
Không có tư liệu đánh giá liều lượng trên 80 mg một ngày.

Quá liều và xử trí

Những triệu chứng quá liều là: giảm huyết áp nhẹ, nhịp tim chậm; tăng kali – huyết có thể xảy ra ngay cả với liều điều trị, đặc biệt ở người suy thận và người dùng thuốc chống viêm không steroid.

Ðiều trị quá liều gồm tăng thể tích huyết tương bằng truyền dịch tĩnh mạch và đặt người bệnh ở tư thế Trendelenburg để hiệu chỉnh sự hạ huyết áp. Có thể loại trừ lượng nhỏ benazeprilat bằng thẩm tách máu.
Sau đó tiến hành điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Chống chỉ định

Tác dụng phụ

ADR của benazepril thường nhẹ và nhất thời, và không có mối liên quan giữa ADR và tuổi, thời gian điều trị, hoặc tổng liều trong phạm vi 2 – 80 mg. Khi dùng benazepril, cần lưu ý là một thuốc ức chế enzym chuyển khác, captopril, đã gây mất bạch cầu hạt, đặc biệt ở người bệnh giảm chức năng thận hoặc tổn thương mạch máu trong bệnh tạo keo như luput ban đỏ lan tỏa, hoặc bệnh xơ cứng bì. Không có đủ tư liệu để chứng minh benazepril không có ADR này.

Thường gặp, ADR >1/100 Hô hấp: Ho nhất thời.
Hệ thần kinh trung ương: Nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, ngủ gà.
Tiêu hóa: Buồn nôn.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Tim mạch: Hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, phù mạch.
Hệ thần kinh trung ương: Lo âu, mất ngủ, tình trạng kích động.
Da: Ban, hội chứng Stevens – Johnson, ban đỏ đa dạng, mẫn cảm với ánh sáng.

Nội tiết và chuyển hóa: Tăng kali – huyết.
Huyết học: Mất bạch cầu, giảm tiểu cầu.
Tiêu hóa: Táo bón, viêm dạ dày, nôn, đại tiện máu đen.
Gan: Vàng da.

Sinh dục – niệu: Liệt dương, nhiễm khuẩn đường niệu.
Thần kinh – cơ – xương: Tăng trương lực, dị cảm, đau khớp, viêm khớp, đau cơ, yếu cơ.
Hô hấp: Viêm phế quản, khó thở, viêm xoang, hen.
Khác: Ra mồ hôi.

Hướng dẫn cách xử trí ADR
Ban, mày đay thường mất đi khi giảm liều, hoặc ngừng thuốc, hoặc dùng thuốc kháng histamin. Ho và vàng da thường mất đi trong vài ngày sau khi ngừng benazepril.

Khi có phù mạch kèm theo sưng ở mặt, niêm mạc miệng, môi và các chi, ngừng thuốc và không cần các biện pháp điều trị khác, mặc dù thuốc kháng histamin có thể làm giảm các triệu chứng này.

Có thể điều trị phù mạch ở lưỡi, thanh môn, hoặc thanh quản như sau: ngừng thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin và cho người bệnh vào viện; tiêm dưới da, hoặc hiếm trường hợp phải tiêm tĩnh mạch adrenalin; tiêm tĩnh mạch diphenhydramin hydroclorid; dùng hydrocortison đường tĩnh mạch.

Thận trọng và lưu ý

Ở người bệnh có chức năng thận suy giảm; hẹp động mạch thận một bên hoặc hai bên; người bị mất nước hoặc điều trị với thuốc lợi tiểu mạnh; điều trị với thuốc lợi tiểu giữ kali; người bệnh hẹp lỗ động mạch chủ hoặc hẹp lỗ van hai lá, cần bắt đầu điều trị với liều thấp và sau đó dùng liều thấp hơn liều thường dùng.

Sau khi dùng liều thuốc ban đầu, người có hệ renin hoạt hóa nhiều đôi lúc có thể có phản ứng hạ huyết áp mạnh trong những giờ đầu. Khi có hạ huyết áp mạnh, tiêm truyền tĩnh mạch natri clorid 0,9%. Sự hạ huyết áp nhất thời này không ngăn cản việc tiếp tục điều trị. Nếu dùng liều ban đầu thấp, thời gian hạ huyết áp mạnh sẽ ngắn.

Trong phẫu thuật lớn, hoặc khi gây mê với thuốc gây hạ huyết áp, thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin ngăn cản tạo angiotensin II sau giải phóng renin. Ðiều này gây hạ huyết áp mạnh, có thể hiệu chỉnh dễ dàng bằng tăng thể tích huyết tương.

Ở người bệnh giảm chức năng thận, đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh mô liên kết, cần theo dõi số lượng bạch cầu trong 3 tháng đầu.

Cần báo cho người bệnh phải đến khám bác sỹ ngay khi có nhiễm khuẩn, đau họng, sốt đôi khi do mất bạch cầu hạt. Nguy cơ này tăng lên khi có bệnh mô liên kết, sử dụng thuốc giảm miễn dịch, hoặc giảm chức năng thận.

Lưu ý thời kỳ mang thai

Dùng thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin trong ba tháng giữa và ba tháng cuối của thai kỳ gây tăng tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh. Ðã có trường hợp bị ít nước ối, hạ huyết áp và thiểu niệu/vô niệu ở trẻ sơ sinh. Do đó, không dùng thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin trong thời kỳ mang thai.

Lưu ý thời kỳ cho con bú

Benazepril và benazeprilat phân bố trong sữa mẹ. Trẻ nhỏ bú sữa nhận được dưới 0,1% liều dùng của mẹ tính theo mg/kg benazepril và benazeprilat. Có thể dùng benazepril trong thời kỳ cho con bú.

Tương tác thuốc

Thuốc lợi tiểu: Người dùng thuốc lợi tiểu, đặc biệt người mới dùng thuốc này, đôi khi có thể có giảm huyết áp quá mức sau khi bắt đầu điều trị với benazepril.

Thuốc gây hạ huyết áp: Dùng đồng thời với thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin có thể gây tác dụng hạ huyết áp cộng hợp; thuốc điều trị tăng huyết áp gây giải phóng renin hoặc ảnh hưởng đến hoạt động giao cảm có tác dụng cộng hợp lớn nhất.

Thuốc chống viêm không steroid, đặc biệt indomethacin: Có thể đối kháng với tác dụng chống tăng huyết áp của thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin do ức chế tổng hợp prostaglandin ở thận và/hoặc gây giữ natri và dịch.

Thuốc đồng (chủ) vận giao cảm: Dùng đồng thời, gây giảm tác dụng chống tăng huyết áp của thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin.

Thuốc bổ sung kali và thuốc lợi tiểu giữ kali: Benazepril có thể làm giảm bớt mất kali do thuốc lợi tiểu thiazid. Thuốc lợi tiểu giữ kali (spironolacton, amilorid, triamteren, và thuốc khác) và các

thuốc bổ sung kali có thể làm tăng nguy cơ tăng kali – huyết.
Lithi: Người dùng đồng thời thuốc ức chế men chuyển angiotensin trong khi điều trị với lithi có nồng độ lithi huyết thanh tăng lên và có triệu chứng ngộ độc lithi.

Dược lý và cơ chế

Benazepril là thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin. Tác dụng chủ yếu của thuốc là ức chế enzym chuyển angiotensin trên hệ renin – angiotensin, ức chế sự chuyển angiotensin I tương đối ít hoạt tính thành angiotensin II, là chất co mạch mạnh và là yếu tố tăng trưởng mạnh đối với tim (gây phì đại cơ tim).

Trong trường hợp tăng huyết áp do thận và khi hệ renin – angiotensin được hoạt hóa do nguyên nhân khác, thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin làm giảm sức cản của mạch máu toàn thân, huyết áp trung bình, tâm trương và tâm thu; thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin thường làm hạ huyết áp, trừ khi tăng huyết áp do tăng aldosteron tiên phát.

Tác dụng điều trị tăng huyết áp: Thuốc làm giảm sức cản động mạch ngoại vi và không tác động lên cung lượng tim. Tưới máu ở thận được duy trì hoặc tăng lên và mức lọc cầu thận thường không thay đổi. Trong trường hợp hạ áp nhanh ở người bệnh tăng huyết áp rất cao và kéo dài, mức lọc của cầu thận có thể giảm nhất thời, dẫn đến tăng nhất thời creatinin và urê trong huyết thanh.

Ở người bệnh có kemg theo phì đại thất trái, điều trị với thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin trong vòng 2 – 3 tháng tim người bệnh có thể trở về bình thường.

Tác dụng trên người bệnh suy tim: Trong suy tim, thuốc ức chế enzym chuyển làm giảm áp suất làm đầy (tiền gánh), giảm sức cản động mạch ngoại vi, làm tăng cung lượng và khả năng làm việc của tim. Những tác dụng này đến nhanh sau khi bắt đầu điều trị. Lưu lượng máu ở thận có thể tăng tới 60%. Thuốc ức chế enzym chuyển có thể làm giảm bệnh cơ tim, vì angiotensin II là yếu tố tăng trưởng chính của cơ tim.

Thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin có tác dụng tốt ở người suy tim có bệnh cơ tim và rối loạn chức năng tâm thu thất trái. Trừ phi có chống chỉ định, thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin có thể dùng cho tất cả những người có thiểu năng tâm thu thất trái (phân số tống máu £ 35%). Sự ức chế enzym chuyển angiotensin ở những người này có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển suy tim, làm giảm tỷ lệ đột tử và nhồi máu cơ tim.

Trong rối loạn chức năng tâm thu, thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin có thể làm giảm sức cản của mạch ngoại vi (hậu gánh), huyết áp mao mạch phổi (tiền gánh), và sức cản của mạch máu phổi, và làm tăng cung lượng tim và tăng dung nạp luyện tập. Thuốc cũng làm giảm giãn tâm thất và có chiều hướng phục hồi tim trở về hình dạng bình thường.

Tác dụng trên người có bệnh thận do đái tháo đường: Ở người đái tháo đường, thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin làm giảm bài tiết protein trong nước tiểu, và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Thuốc có thể làm giảm tỷ lệ tử vong và ngăn chặn tiến triển suy tim ở người nhồi máu cơ tim, có huyết động ổn định.

Bảo quản

Bảo quản viên nén benazepril hydroclorid ở nhiệt độ dưới 30oC, chống ẩm, và đựng trong lọ kín.

Quy chế

Thuốc độc bảng B. Thành phẩm giảm độc: Thuốc viên có hàm lượng tối đa là 10 mg.

Tổng kết

Trên đây tacdungthuoc.com đã biên tập lại các thông tin về thuốc Benazepril trong Dược thư Quốc Gia Việt Nam mới nhất. Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên và khuyến nghị nào cho việc dùng thuốc!

Với những người không phải chuyên gia có thể xem thông tin dễ hiểu hơn về Thuốc Benazepril được chúng tôi tổng hợp và biên tập lại Tại đây

Dược thư quốc gia Việt Nam

thuốc Benazepril là gì

cách dùng thuốc Benazepril

tác dụng thuốc Benazepril

công dụng thuốc Benazepril

thuốc Benazepril giá bao nhiêu

liều dùng thuốc Benazepril

giá bán thuốc Benazepril

mua thuốc Benazepril

Thuốc Benazepril là thuốc gì?

Thuốc Benazepril (Benazepril - C09A A07) là Thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin. Thuốc điều trị tăng huyết áp. Thuốc có thành phần hoạt chất chính là Benazepril Xem chi tiết

Dạng thuốc, mã ATC và tên quốc tế?

Thuốc Benazepril Viên nén 5 mg; 10 mg; 20 mg; 40 mg benazepril (dạng muối hydroclorid).. Mã ATC: C09A A07. Tên quốc tế: Benazepril Xem chi tiết

Thông tin thuốc Benazepril?

Dược thư quốc gia Việt Nam: thông tin chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, tác dụng phụ và lưu ý, dược lý và cơ chế tác dụng, dược động học Thuốc Benazepril Xem chi tiết

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here