Thuốc Magnesi Sulfat

Thuốc là gì? Hướng dẫn sử dụng - Dược thư quốc gia

Thuốc Magnesi Sulfat là gì | Dạng thuốc| Chỉ định | Liều dùng | Quá liều | Chống chỉ định | Tác dụng phụ | Lưu ý | Tương tác | Dược lý Dược động học | Bảo quản | Quy chế

Dưới đây là thông tin được biên tập lại từ thông tin thuốc Magnesi Sulfat có trong Dược thư Quốc Gia Việt Nam mới nhất. Nội dung tham khảo này dành cho chuyên gia, những người có hiểu biết về y khoa.

Xem thông tin dễ hiểu hơn về Thuốc Magnesium được tổng hợp và biên tập lại Tại đây

Thông tin chung

Thuốc Magnesi Sulfat (Magnesium sulfate - A06AD04; A12CC02; B05XA05; D11AX05; V04CC02.) là Chống co giật, bổ sung điện giải, nhuận tràng. Thuốc có thành phần hoạt chất chính là Magnesi sulfat và được đóng gói dưới dạng Gói bột uống: 5 g, 10 g, 30 g.Ống tiêm: 500 mg/5 ml; 1 g/10 ml; 2 g/ 20 ml; 1,5 g/10 ml; 1 g/5 ml;2 g/10 ml; 4 g/ 20 ml;1 g/2 ml; 5 g/10 ml.

   
Tên thuốc Thuốc MAGNESI SULFAT ®
Tên quốc tế Thuốc Magnesium sulfate
Tên thương mại Thuốc
Mã ATC A06AD04; A12CC02; B05XA05; D11AX05; V04CC02.
Nhóm thuốc Chống co giật, bổ sung điện giải, nhuận tràng.
Thành phần Magnesi sulfat

Dạng thuốc và hàm lượng

Gói bột uống: 5 g, 10 g, 30 g.Ống tiêm: 500 mg/5 ml; 1 g/10 ml; 2 g/ 20 ml; 1,5 g/10 ml; 1 g/5 ml;2 g/10 ml; 4 g/ 20 ml;1 g/2 ml; 5 g/10 ml.

Chỉ định

Đường tiêm:
Dự phòng và điều trị các cơn co giật: Là thuốc chủ yếu để dự phòng và điều trị co giật trong tiền sản giật và sản giật; co giật do biến chứng (bệnh lý ở não, tăng huyết áp) trong viêm cầu thận cấp ở trẻ em sau khi đã dùng các thuốc chống co giật, chống tăng huyết áp khác mà không đỡ.

Dự phòng và điều trị hạ magnesi huyết do nuôi dưỡng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch, hội chứng kém hấp thu, nghiện rượu, xơ gan, viêm tụy cấp hoặc truyền tĩnh mạch kéo dài bằng các dịch không có magnesi.

Điều trị giảm magnesi huyết cấp đi kèm với dấu hiệu co cứng cơ (tetani) tương tự như trong giảm calci huyết. Điều trị một số loạn nhịp tim nặng đe dọa tính mạng như xoắn đỉnh (hoặc nghi là xoắn đỉnh), ngay cả khi không thiếu hụt magnesi (xoắn đỉnh do thuốc chống loạn nhịp gây ra).
Điều trị ngộ độc bari để làm mất tác dụng kích thích cơ mạnh.
Đường uống: Táo bón, tẩy (điều trị ngộ độc), làm thông mật.

Liều dùng và cách dùng

Dùng đường tiêm:
Cách dùng: Magnesi sulfat thường dùng đường tĩnh mạch hoặc tiêm bắp (ít dùng vì thường gây đau). Khi tiêm tĩnh mạch, nồng độ magnesi sulfat thường không lớn hơn 200 mg/ml (20%) và tốc độ tiêm thường không quá 150 mg/phút (ví dụ 1,5 ml dung dịch nồng độ 10% hoặc tương đương), trừ khi người bệnh có cơn co giật do sản giật nặng.

Khi tiêm bắp ở người lớn, thường dùng dung dịch magnesi sulfat nồng độ 250 mg/ml (25%) hoặc 500 mg/ml (50%). Khi tiêm bắp ở trẻ em, nồng độ thuốc thường không quá 200 mg/ml (20%). Khi tiêm bắp nên tiêm bắp sâu và theo dõi phản ứng tại chỗ tiêm. Một số chuyên gia cho rằng nếu tiêm nhanh magnesi sulfat có thể gây giãn mạch, dẫn đến hạ huyết áp.

Liều magnesi sulfat phải điều chỉnh một cách thận trọng theo yêu cầu và đáp ứng của từng cá thể và phải ngừng thuốc càng sớm càng tốt khi tác dụng mong muốn xuất hiện.

Liều lượng: Có thể tính theo mmol hoặc mEq magnesi, khối lượng (mg) magnesi hoặc khối lượng (mg) magnesi sulfat. 1 g magnesi sulfat (heptahydrat) tương đương khoảng 99 mg magnesi, 4,1 mmol hoặc 8,1 mEq magnesi.

Phòng và kiểm soát các cơn co giật (dùng dung dịch tiêm magnesi sulfat heptahydrrat 20% chứa Mg2+ khoảng 0,8 mmol/ml):
Dự phòng co giật trong tiền sản giật (chỉ định chưa được cấp phép), đầu tiên, cho tiêm tĩnh mạch trong 5 – 15 phút, 4 g (16 mmol Mg2+), tiếp theo cho truyền tĩnh mạch, tốc độ 1 g/giờ (4 mmol/giờ Mg2+) trong 24 giờ; nếu co giật xảy ra, cho thêm một liều tiêm tĩnh mạch, 2 g (8 mmol Mg2+).

Điều trị cơn co giật và dự phòng cơn co giật tái phát trong sản giật: đầu tiên, cho tiêm tĩnh mạch trong 5 – 15 phút, 4 g (16 mmol Mg2+), tiếp theo cho truyền tĩnh mạch, 1 g/giờ (4 mmol/giờ Mg2+) trong 24 giờ sau cơn giật hoặc sau khi đẻ, bất cứ muộn như thế nào; nếu cơn co giật tái phát, tăng tốc độ truyền lên tới 1,5 – 2 g/giờ   (6 – 8 mmol/giờ Mg2+) hoặc cho thêm một liều tiêm tĩnh mạch, 2 g (8 mmol Mg2+).

Ghi chú: Để tiêm tĩnh mạch, nồng độ magnesi sulfat heptahydrat không được vượt quá 20% (200 mg/ml hoặc 0,8 mmol/ml Mg2+); pha loãng 1 phần magnesi sulfat heptahydrrat 50% với ít nhất 1,5 phần nước để tiêm.

Nồng độ magnesi trong huyết thanh 6 mg/100 ml được coi là tối ưu để kiểm soát các cơn co giật. Tổng liều của magnesi sulfat không quá 30 – 40 g/ngày. Khi bị suy thận nặng, phải thường xuyên giữ được nồng độ magnesi huyết thanh và liều tối đa của magnesi sulfat là 20 g/48 giờ.

Viêm thận cấp ở trẻ em: Co giật, bệnh não và tăng huyết áp do viêm cầu thận cấp ở trẻ em, tiêm bắp 100 mg/kg (0,8 mEq/kg hoặc 0,2 ml/kg dung dịch 50%), cách mỗi 4 – 6 giờ khi cần thiết. Một cách khác: Magnesi sulfat tiêm bắp với liều 20 – 40 mg/kg (0,16
– 0,32 mEq/kg hoặc 0,1- 0,2 ml/kg dung dịch 20%) khi cần thiết để kiểm soát cơn co giật. Nếu các triệu chứng nặng, có thể dùng đường tĩnh mạch dung dịch 1 – 3% với liều 100 – 200 mg/kg. Khi truyền tĩnh mạch, phải truyền chậm và theo dõi chặt chẽ huyết áp. Tổng liều dùng đường tĩnh mạch nên dùng trong vòng một giờ, với nửa liều dùng trong 15 – 20 phút đầu tiên.

Giảm magnesi huyết:
Giảm magnesi huyết cấp hoặc nặng: Magnesi có thể phải dùng đường tiêm Dùng 20 mmol magnesi trong 1 lít dung dịch truyền(glucose 5% hoặc natri clorid 0,9%) truyền tĩnh mạch trong 3 giờ. Một cách khác, 35 – 50 mmol magnesi trong 1 lít dung dịch truyền có thể cho trong 12 – 24 giờ. Tổng liều tối đa 160 mmol có thể cần trong 5 ngày.

Đối với người bệnh nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, có thể cho liều hàng ngày khoảng 12 mmol magnesi để dự phòng tái phát thiếu magnesi. Magnesi sulfat cũng có thể tiêm bắp để điều trị giảm magnesi huyết cấp. Liều khuyến cáo 1 mmol/kg magnesi, cho trong thời gian 4 giờ; tiêm bắp đau. Phải giám sát cẩn thận magnesi huyết tương và các nồng độ điện giải khác. Phải giảm liều khi suy thận.

Giảm magnesi huyết nhẹ: Có thể cho uống, liều điều chỉnh tuỳ theo nhu cầu của từng người bệnh. Để dự phòng tái phát giảm magnesi huyết, liều 24 mmol hàng ngày đã được khuyến cáo
Loạn nhịp tim: Nhịp nhanh thất: Để điều trị loạn nhịp đe dọa tính mạng như nhịp nhanh thất kéo dài và /hoặc xoắn đỉnh, liều magnesi sulfat 1 – 6 g (8,1 – 48,6 mEq) dùng trong vài phút, một số trường hợp sau đó truyền tĩnh mạch với tốc độ khoảng 3 – 20 mg/phút trong 5 – 48 giờ phụ thuộc vào đáp ứng của bệnh nhân và nồng độ magnesi huyết thanh. Nhịp nhanh nhĩ kịch phát: Liều thường dùng 3 – 4 g (ví dụ 30 – 40 ml dung dịch 10%) dùng đường tĩnh mạch trong 30 giây với sự thận trọng đặc biệt.

Ngộ độc bari: Để làm mất tác dụng kích thích cơ khi ngộ độc bari, liều thường dùng của magnesi sulfat là 1 – 2 g đưa vào bằng đường tĩnh mạch.

Dùng đường uống: Nhuận tràng, điều trị táo bón: Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: 10 g; trẻ em 6 – 11 tuổi: 5 g; trẻ em 2 – 5 tuổi: 2,5 g; trẻ dưới 2 tuổi: Theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Pha thuốc trong cốc nước đầy (ít nhất 240 ml nước hoặc nước chanh, trẻ nhỏ dùng ít nước hơn), uống trước bữa ăn sáng, tác dụng trong 2 – 4 giờ.
Tẩy: 15 – 30 g, uống với nhiều nước.

Liều dùng ở người cao tuổi: Thường cần giảm liều magnesi sulfat vì tổn thương thận. Nếu bị suy thận nặng, liều không được vượt quá 20 g trong thời gian 48 giờ; phải giám sát nồng độ magnesi huyết thanh.

Quá liều và xử trí

Triệu chứng: Các triệu chứng của tăng magnesi huyết nặng, ngừng thở, ngừng tim.
Xử trí: Bắt buộc phải thông khí nhân tạo cho đến khi đưa được muối calci vào bằng đường tĩnh mạch.

Hạ calci huyết thứ phát, quan trọng trong lâm sàng, gây co cứng cơ đã xảy ra sau khi dùng liệu pháp magnesi sulfat tiêm để điều trị sản giật.
Người lớn tiêm tĩnh mạch 10 – 20 ml calci gluconat 10%. Trong trường hợp tăng magnesi huyết nghiêm trọng, cần thẩm phân màng bụng hoặc thẩm phân máu.

Chống chỉ định

Tác dụng phụ

Các tác dụng không mong muốn khi dùng magnesi sulfat đường tiêm thường do nhiễm độc magnesi. Các dấu hiệu tăng magnesi huyết có thể bắt đầu ở nồng độ magnesi huyết thanh 4 mEq/lít, bao gồm các triệu chứng thần kinh (yếu cơ, liệt mềm, mất điều hòa cơ, mất phản xạ gân xương, buồn ngủ, lú lẫn), buồn nôn, nôn, khát, đỏ bừng da, toát mồ hôi, giãn mạch ngoại biên, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, nói khó, nhìn đôi, giảm chức năng tim, nhịp tim chậm, loạn nhịp, suy tuần hoàn, ngừng tim, ức chế hô hấp, giảm thông khí và ức chế thần kinh trung ương, hôn mê.

Các triệu chứng này có thể tiếp diễn dẫn tới liệt hô hấp gây tử vong. Đã có báo cáo hạ calci huyết với các dấu hiệu co cứng cơ thứ phát sau khi dùng magnesi sulfat để điều trị sản giật.
Các tác dụng không mong muốn trên chức năng thần kinh – cơ có thể xảy ra ở mức magnesi huyết thấp hơn với những người bị bệnh về thần kinh – cơ như nhược cơ.

Sau khi uống các muối magnesi thường không gặp tăng magnesi huyết, trừ trong trường hợp có suy thận. Uống magnesi sulfat có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy.
Đã có báo cáo trường hợp thụt dung dịch magnesi sulfat để chống co cứng cơ bụng đã bị suy tâm thu và chết, mặc dù đã cố gắng hồi sức. Vì vậy, tránh dùng dung dịch thụt vì nguy cơ hấp thu ở trực tràng không dự đoán được, mức độ hấp thu có thể nhiều, dẫn tới tăng magnesi huyết.

Hướng dẫn cách xử trí ADR
Để giảm thấp nhất nguy cơ nhiễm độc magnesi, phải theo dõi nồng độ magnesi huyết thanh. Điều trị tăng magnesi huyết nhẹ thường chỉ cần hạn chế lượng magnesi đưa vào cơ thể. Trường hợp tăng magnesi huyết nặng, có thể cần hỗ trợ thông khí và tuần hoàn. Tiêm tĩnh mạch chậm 10 – 20 ml dung dịch calci gluconat 10% để đảo ngược các tác dụng trên hệ hô hấp và tuần hoàn. Nếu chức năng thận bình thường, đưa vào đủ dịch để đẩy mạnh thanh thải magnesi ở thận.

Sự thanh thải này có thể tăng lên khi dùng furosemid. Dùng dung dịch không có magnesi để thẩm phân máu giúp loại bỏ được magnesi có hiệu quả, có thể cần thiết ở người suy thận hoặc ở những người mà dùng các phương pháp khác không có hiệu quả.

Có trường hợp đã điều trị thành công cho người bệnh bị tăng magnesi huyết ở mức độ nặng, thường gây tử vong bằng hỗ trợ thông khí, tiêm tĩnh mạch calci clorid và lợi tiểu cưỡng bức bằng truyền manitol.

Thận trọng và lưu ý

Dùng magnesi sulfat đường tiêm phải theo dõi cẩn thận, kiểm tra chặt chẽ nồng độ magnesi trong huyết thanh để tránh quá liều. Độc tính của magnesi có thể dẫn đến ngừng tim gây tử vong và/hoặc liệt hô hấp. Mất phản xạ xương bánh chè là dấu hiệu lâm sàng có ích để phát hiện bắt đầu ngộ độc magnesi.

Trước mỗi liều nhắc lại, phải kiểm tra phản xạ giật cơ đầu gối (nếu mất phản xạ thì không dùng thêm magnesi cho đến khi có phản xạ trở lại), nhịp thở đạt ít nhất 16 lần/phút. Chỉ tiếp tục điều trị khi lượng nước tiểu ≥ 100 ml trong 4 giờ trước mỗi liều dùng. Kiểm tra huyết áp của người bệnh. Phải có sẵn calci gluconat tiêm tĩnh mạch để điều trị ngộ độc magnesi sulfat.

Dùng magnesi sulfat làm thuốc chống cơn co tử cung trong sản khoa có thể gây nguy cơ phù phổi ở mẹ, nguyên nhân cần làm sáng tỏ hơn. Các yếu tố nguy cơ ở mẹ bao gồm quá thừa nước, mang thai nhiều lần, nhiễm khuẩn tiềm tàng và mắc các bệnh tim mạch. Mặc dù điều trị hỗ trợ bằng corticosteroid đã được gợi ý là góp phần tác động vào nguy cơ phát triển phù phổi, nhưng phần lớn các bằng chứng cho thấy đó không phải là yếu tố nguy cơ quan trọng.

Nguy cơ phù phổi ở mẹ khi dùng magnesi sulfat làm thuốc chống cơn co tử cung trong sản khoa có thể giảm bằng cách giới hạn lượng dịch đưa vào cơ thể từ 2,5 – 3 lít/ngày, hạn chế đưa vào natri và duy trì tần số mạch của mẹ dưới 130 nhịp/phút. Thường không gặp phát triển phù phổi trong 24 giờ đầu tiên của quá trình điều trị.

Thận trọng ở người suy thận (tích lũy magnesi có thể dẫn tới ngộ độc), suy gan, nhược cơ hoặc các bệnh về thần kinh – cơ khác, suy nhược, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, đang dùng glycosid trợ tim (nguy cơ blốc tim).

Tuân theo các kỹ thuật sử dụng thuốc an toàn và theo dõi cảnh giác thuốc khi dùng trong sản khoa để tránh những sai sót có khả năng gây độc.

Hạ kali huyết hoặc hạ calci huyết có thể xảy ra đồng thời với thiếu hụt magnesi.
Một số nhà lâm sàng cho rằng chỉ dùng magnesi sulfat đường tiêm trong viêm thận cấp ở trẻ em để kiểm soát các cơn co giật khi chắc chắn có hạ magnesi máu và phải kiểm tra nồng độ magnesi huyết thanh bất cứ khi nào dùng thuốc. Magnesi sulfat dùng đường tĩnh mạch chỉ nên dành để kiểm soát ngay lập tức những cơn co giật đe dọa tính mạng.

Lưu ý thời kỳ mang thai

Magnesi qua được nhau thai, lượng thuốc trong thai tương quan với lượng thuốc trong máu mẹ. Khi tiêm bắp magnesi sulfat cho mẹ thường không gây hại cho trẻ sơ sinh, nhưng khi dùng bằng đường truyền tĩnh mạch liên tục (đặc biệt nếu dùng trên 24 giờ trước khi đẻ) có thể thấy dấu hiệu ngộ độc magnesi ở trẻ sơ sinh, bao gồm tăng ức chế hô hấp hoặc thần kinh – cơ. Phải theo dõi nhịp tim thai, tránh dùng magnesi sulfat đường tĩnh mạch trong vòng 2 giờ trước khi sinh.

Điều trị tăng magnesi huyết ở trẻ sơ sinh có thể cần phải hồi sức và hỗ trợ thông khí bằng đặt ống nội khí quản và/hoặc thông khí áp lực dương ngắt quãng, cũng như dùng calci đường tĩnh mạch.

Lưu ý thời kỳ cho con bú

Khi tiêm magnesi sulfat, magnesi được phân phối vào sữa mẹ, thận trọng khi dùng thuốc ở phụ nữ cho con bú. Nồng độ magnesi trong sữa chỉ tăng lên trong khoảng 24 giờ sau khi ngừng dùng magnesi sulfat, số lượng magnesi đưa vào đường tiêu hóa của trẻ bú mẹ trong giai đoạn này có lẽ quá ít, không quan trọng trong lâm sàng.

Tương tác thuốc

Tăng tác dụng: Magnesi sulfat có thể làm tăng tác dụng của rượu ethylic, các thuốc chẹn kênh calci, các thuốc ức chế thần kinh trung ương, các thuốc chẹn thần kinh – cơ.

Tác dụng chẹn thần kinh – cơ của magnesi sulfat khi dùng đường tiêm có thể tăng lên khi dùng đồng thời với kháng sinh nhóm aminoglycosid. Tương tự, magnesi sulfat dùng đường tiêm và nifedipin có tác dụng hiệp đồng cộng.

Tác dụng của magnesi sulfat có thể được tăng lên bởi calcitriol, các thuốc chẹn kênh calci.
Giảm tác dụng: Magnesi sulfat có thể làm giảm tác dụng của các dẫn xuất bisphosphonat, eltrombopag, mycophenolat, các chất bổ sung phosphat, các kháng sinh nhóm quinolon, các dẫn xuất tetracyclin, trientin.

Tác dụng của magnesi sulfat có thể bị giảm bởi ketorolac, mefloquin, trientin.
Các muối magnesi dùng đường uống làm giảm hấp thu các tetracyclin và bisphosphonat, phải dùng các thuốc này cách nhau vài giờ.

Thay đổi tác dụng: Muối magnesi phải dùng thận trọng cho người bệnh đang dùng digoxin, vì dẫn truyền trong tim có thể thay đổi nhiều, dẫn đến blốc tim. Khi cần phải dùng calci để điều trị ngộ độc magnesi.

Dược lý và cơ chế

Magnesi là cation nhiều thứ tư trong cơ thể, nhiều thứ hai trong  tế bào, là cation thiết yếu cho chức năng của các enzym quan trọng, bao gồm những enzym liên quan tới sự chuyển các nhóm
phosphat, tất cả các phản ứng đòi hỏi ATP và mỗi bước liên quan tới sự sao chép, phiên mã của DNA và sự dịch mã của RNA thông tin.

Magnesi tham gia như một cofactor (đồng yếu tố) trong nhiều phản ứng enzym trong cơ thể. Có ít nhất 300 enzym phụ thuộc vào magnesi để có chức năng hoạt động bình thường. Magnesi cũng cần thiết cho chuyển hóa năng lượng tế bào, cho sự ổn định màng, dẫn truyền thần kinh, vận chuyển sắt và có tác động trên kênh calci. Do tác dụng trên ống thận, magnesi cần thiết để duy trì mức calci và kali trong huyết thanh.

Khi dùng đường tiêm với các liều đủ để gây tăng magnesi máu (nồng độ magnesi huyết thanh lớn > 2,5 mEq/lít), thuốc có thể ức chế thần kinh trung ương và chẹn dẫn truyền thần kinh – cơ ở ngoại biên, nên có tác dụng chống co giật. Khi điều trị cơn co giật trong sản giật, magnesi sulfat có hiệu quả hơn phenytoin, diazepam, mà lại ít gây tác dụng không mong muốn hơn.

Cơ chế chính xác của tác dụng ức chế này chưa được biết đầy đủ, tuy nhiên khi magnesi tăng quá mức sẽ làm giảm lượng acetylcholin được giải phóng tại bản vận động của cơ. Khi nồng độ magnesi trong huyết thanh vượt quá 4 mEq/lít, các phản xạ gân sâu có thể bị suy yếu. Khi nồng  độ magnesi trong huyết thanh đạt 10 mEq/lít, có thể mất các phản xạ gân sâu và liệt hô hấp có thể xảy ra.

Nồng độ magnesi huyết thanh vượt quá 12 mEq/lít có thể gây tử vong. Blốc tim hoàn toàn cũng có thể xảy ra khi nồng độ của magnesi trong huyết thanh cao (khoảng 10 mEq/lít). Ion magnesi tác động trên cơ tim làm chậm tốc độ hình thành xung động của nút xoang – nhĩ và kéo dài thời gian dẫn truyền. Truyền magnesi tĩnh mạch cho người không có bệnh tim làm kéo dài khoảng PR, HV (nhĩ – bó His), thời kỳ trơ hữu hiệu của nút N-T và thời gian dẫn truyền xoang – nhĩ.

Các số liệu đã có cũng gợi ý rằng magnesi gây ra giãn mạch vành và mạch toàn thân, có hoạt tính kháng tiểu cầu, ngăn chặn các tế bào khử cực tự động một phần và bảo vệ các tế bào cơ chống lại tình trạng quá tải calci trong điều kiện thiếu máu cục bộ do ức chế dòng calci đi vào.

Tuy nhiên lợi ích trên lâm sàng của magnesi trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp chưa được xác định đầy đủ. Magnesi cũng có tác dụng ở ngoại biên, gây giãn mạch. Các liều trung bình gây đỏ bừng và toát mồ hôi, các liều cao hơn làm giảm huyết áp. Tác dụng ức chế thần kinh trung ương và phong bế dẫn truyền thần kinh – cơ ở ngoại biên do tăng magnesi huyết gây ra có thể điều trị bằng dùng calci liều cao.

Magnesi sulfat tiêm tĩnh mạch đã từng được dùng để ức chế cơn
co bóp tử cung ban đầu chuyển dạ sớm, mục đích kéo dài thời kỳ mang thai để giảm tỷ lệ tử vong thai nhi, giảm hội chứng suy hô hấp, nhưng nghiên cứu cho thấy không có kết quả.
Khi dùng đường uống, magnesi làm tăng lượng phân do giữ lại dịch trong lòng ruột, làm căng ruột kết, gây tăng nhu động ruột, do đó được dùng làm thuốc nhuận tràng thẩm thấu.

Dược động học
Sau khi uống, khoảng 1/3 lượng magnesi được hấp thu ở ruột non, ngay cả các muối magnesi hòa tan thường cũng hấp thu rất chậm qua đường tiêu hóa. Hấp thu magnesi tăng lên khi lượng magnesi đưa vào cơ thể giảm. Khoảng 25 – 30% magnesi gắn với protein huyết tương (albumin).

Khi dùng magnesi đường tĩnh mạch, tác dụng chống co giật bắt đầu ngay lập tức, thời gian tác dụng khoảng 30 phút. Sau khi tiêm bắp, tác dụng bắt đầu trong khoảng 1 giờ, thời gian tác dụng 3 – 4 giờ. Nồng độ magnesi trong huyết thanh có tác dụng chống co giật trong khoảng 2,5 – 7,5 mEq/lít.

Phân bố vào xương 50 – 60%, vào dịch ngoại bào 1 – 2%.
Thuốc thải trừ chủ yếu qua thận, tỷ lệ thay đổi giữa các cá thể nhưng tỷ lệ thuận với nồng độ trong huyết thanh và sự lọc của cầu thận. Phần không hấp thu khi uống được thải trừ theo phân.

Sau khi dùng magnesi sulfat đường tiêm, magnesi qua được nhau thai và một lượng nhỏ vào sữa mẹ. Nồng độ magnesi trong sữa chỉ tăng lên trong khoảng 24 giờ sau khi ngừng magnesi sulfat.

Bảo quản

Magnesi sulfat tiêm và magnesi sulfat trong glucose 5% bảo quản ở nhiệt độ < 40 oC, thích hợp nhất là trong khoảng 15 - 30 oC, tránh để đông băng. Magnesi sulfat bị chuyển thành dạng monohydrat khi bị làm nóng tới 150 - 160 oC. Tương kỵ Magnesi sulfat tương kỵ với các hydroxyd kiềm (tạo thành magnesi hydroxyd không tan), với các carbonat kiềm (tạo thành carbonat base) và với các salicylat (tạo thành salicylat base). Thuốc phản ứng với các arsenat, phosphat, tartrat tạo nên kết tủa của muối magnesi tương ứng. Chì, bari, stronti và calci phản ứng với magnesi sulfat làm kết tủa các muối sulfat tương ứng.

Quy chế

Magnesi sulfat có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013 và Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.

Tổng kết

Trên đây tacdungthuoc.com đã biên tập lại các thông tin về thuốc Magnesi Sulfat trong Dược thư Quốc Gia Việt Nam mới nhất. Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên và khuyến nghị nào cho việc dùng thuốc!

Với những người không phải chuyên gia có thể xem thông tin dễ hiểu hơn về Thuốc Magnesium được chúng tôi tổng hợp và biên tập lại Tại đây

Dược thư quốc gia Việt Nam

thuốc Magnesi Sulfat là gì

cách dùng thuốc Magnesi Sulfat

tác dụng thuốc Magnesi Sulfat

công dụng thuốc Magnesi Sulfat

thuốc Magnesi Sulfat giá bao nhiêu

liều dùng thuốc Magnesi Sulfat

giá bán thuốc Magnesi Sulfat

mua thuốc Magnesi Sulfat

Thuốc Magnesi Sulfat là thuốc gì?

Thuốc Magnesi Sulfat (Magnesium sulfate - A06AD04; A12CC02; B05XA05; D11AX05; V04CC02.) là Chống co giật, bổ sung điện giải, nhuận tràng. Thuốc có thành phần hoạt chất chính là Magnesi sulfat Xem chi tiết

Dạng thuốc, mã ATC và tên quốc tế?

Thuốc Magnesi Sulfat Gói bột uống: 5 g, 10 g, 30 g.Ống tiêm: 500 mg/5 ml; 1 g/10 ml; 2 g/ 20 ml; 1,5 g/10 ml; 1 g/5 ml;2 g/10 ml; 4 g/ 20 ml;1 g/2 ml; 5 g/10 ml.. Mã ATC: A06AD04; A12CC02; B05XA05; D11AX05; V04CC02.. Tên quốc tế: Magnesium sulfate Xem chi tiết

Thông tin thuốc Magnesi Sulfat?

Dược thư quốc gia Việt Nam: thông tin chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, tác dụng phụ và lưu ý, dược lý và cơ chế tác dụng, dược động học Thuốc Magnesi Sulfat Xem chi tiết

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here